KHÔNG CHỈ LÀ VẾT MUỖI ĐỐT – GÁNH NẶNG KINH TẾ THẦM LẶNG CỦA SỐT XUẤT HUYẾT VỚI GIA ĐÌNH VIỆT

KHÔNG CHỈ LÀ VẾT MUỖI ĐỐT - GÁNH NẶNG KINH TẾ THẦM LẶNG CỦA SỐT XUẤT HUYẾT VỚI GIA ĐÌNH VIỆT
KHÔNG CHỈ LÀ VẾT MUỖI ĐỐT - GÁNH NẶNG KINH TẾ THẦM LẶNG CỦA SỐT XUẤT HUYẾT VỚI GIA ĐÌNH VIỆT

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn bảo vệ con cái mình từ những điều nhỏ nhặt nhất – từ việc hạn chế thời gian sử dụng điện thoại đến việc kiên nhẫn khuyên con ăn thêm rau. Thế nhưng, có một mối nguy tưởng chừng cỏn con lại đủ sức khiến cả gia đình rơi vào vòng xoáy hỗn loạn chỉ trong vài ngày: sốt xuất huyết.

Không ít người vẫn lầm tưởng đây chỉ là một cơn sốt thông thường. Thực tế, những hệ lụy mà sốt xuất huyết gây ra còn nặng nề hơn cả việc nghỉ học hay cảm cúm thông thường. Nó có thể rút cạn tài chính, bào mòn sức lực tinh thần và đẩy cả gia đình vào trạng thái căng thẳng triền miên. Như bộ truyện The Woke Salaryman từng đề cập, lối sống ngày càng cá nhân hóa hiện nay khiến chúng ta trở nên thụ động trước những vấn đề mang tính cộng đồng, trong đó có việc phòng ngừa dịch bệnh.

SỐT XUẤT HUYẾT TẠI VIỆT NAM

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào top 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu và là bệnh truyền nhiễm qua vector phổ biến nhất trên thế giới. Đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi khí hậu ngày càng biến đổi và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho muỗi vằn – loài trung gian truyền bệnh nguy hiểm này hoành hành, đẩy hơn 1.3 tỷ người rơi vào nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, tình hình đang ở mức báo động. Năm 2024, có hơn 114.906 ca sốt xuất huyết trong nước và 18 ca tử vong. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thời tiết bất thường, mật độ dân cư cao ở các đô thị lớn, cùng với ý thức phòng bệnh trong cộng đồng còn hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 14/12/2024 đến ngày 17/02/2025, Việt Nam ghi nhận 16.607 ca mắc mới, trong đó có một ca tử vong do sốt xuất huyết. Cục Phòng chống dịch bệnh (Bộ Y tế) đánh giá sốt xuất huyết là một trong những thách thức lớn đối với ngành y tế Việt Nam trong năm 2025 (1).  Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2025, TP.HCM đã ghi nhận 4.213 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm 2024 (2).

Bài viết liên quan  Cách tính giá đền bù khi bị thu hồi đất nông nghiệp MỚI NHẤT

HẬU QUẢ “DOMINO” CHO GIA ĐÌNH

Không dừng lại ở những cơn sốt cao và đau nhức, sốt xuất huyết còn mang theo một chuỗi hệ lụy như hiệu ứng domino. Cha mẹ buộc phải nghỉ làm – nhiều trường hợp không có lương – để chăm sóc con bị bệnh. Trẻ phải nghỉ học, thậm chí lỡ mất kỳ thi quan trọng. Chi phí điều trị tăng cao bất ngờ, chưa kể áp lực khi bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải mỗi mùa dịch.

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, tổng chi phí điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện mỗi năm tại Việt Nam lên tới 7 đến 8 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 140 đến 160 tỷ đồng.

Chi phí cho một ca bệnh dao động từ 900.000 đến 2.700.000 đồng, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và độ tuổi của người bệnh. Đáng chú ý, phần lớn chi phí này không chỉ đến từ viện phí, thuốc men hay xét nghiệm, mà còn bao gồm nhiều khoản gián tiếp như chi tiêu cho việc đi lại, ăn uống, vật dụng chăm sóc, mất thu nhập do nghỉ làm, và cả những tổn thất vô hình khi người nhà phải thay phiên chăm sóc bệnh nhân.

CHUNG TAY ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH: CHIẾN LƯỢC “3 KHÔNG” CỦA WHO

Để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của sốt xuất huyết, WHO kêu gọi áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm giảm lây truyền, giảm số ca nhập viện và tử vong. Các chiến lược chính gồm: loại bỏ nơi muỗi sinh sản, phát hiện và điều trị sớm, giáo dục cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của người dân, đẩy mạnh tiêm chủng tại các khu vực có nguy cơ cao. WHO đặt mục tiêu đưa số ca tử vong do sốt xuất huyết về con số 0 vào năm 2030.

Hưởng ứng lời kêu gọi từ WHO, Liên đoàn Chữ thập đỏ phối hợp cùng Takeda khu vực Đông Nam Á đã triển khai chương trình “United Against Dengue” (UAD), nhằm tăng cường nhận thức và hành động trong cộng đồng. Chương trình được xây dựng trên bốn trụ cột chính: tuyên truyền kiến thức, kết nối cộng đồng, phòng bệnh từ sớm và xây dựng một “lá chắn” phòng dịch bền vững.

Bài viết liên quan  Bé gái 2 tuổi thiếu máu trầm trọng vì uống quá nhiều sữa tươi mỗi ngày

Sau khi được triển khai tại Malaysia và Indonesia, chương trình sắp được triển khai tại Việt Nam – quốc gia đang là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết tại Đông Nam Á.

KHI CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI GÂY MẤT KẾT NỐI

Giáo dục cộng đồng là một trong những trụ cột quan trọng của chương trình United Against Dengue. Để lan tỏa thông điệp này một cách sinh động và dễ tiếp nhận, chương trình đã phối hợp cùng The Woke Salaryman phát triển bộ truyện tranh gần gũi, hài hước nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Một trong những thông điệp nổi bật mà bộ truyện truyền tải là sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa người với người trong xã hội hiện đại.

Ngày trước, tinh thần láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” là điều tự nhiên: nhà dột hay cây đổ, cả xóm cùng tụ họp lại để giúp đỡ. Sự gắn bó khi ấy như những mắt xích vững chắc trong một mái nhà chung. Nhưng ngày nay, không ít người sống cạnh nhau mà chẳng biết mặt hay tên nhau.

Bộ truyện chỉ ra một nghịch lý: càng hiện đại, con người càng cô lập. Cuộc sống thành thị khiến chúng ta ngỡ rằng mình có thể tự lo mọi thứ, nhưng thực tế, chưa bao giờ sự gắn kết lại quan trọng đến vậy.

Chính sự xa cách đó khiến xã hội dễ tổn thương trước dịch bệnh. Chỉ cần một góc sân bỏ quên chậu nước mưa, cả khu dân cư có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Phòng bệnh không thể là chuyện riêng lẻ – đó là trách nhiệm chung, cần sự hợp lực của cả cộng đồng.

DẠY TRẺ QUA TRUYỆN TRANH – KIẾN THỨC KHÔNG CÒN KHÔ KHAN

Chương trình UAD không chỉ nhắm đến người lớn mà còn tiếp cận trẻ em qua những cuốn truyện tranh sinh động, giúp các em hiểu được tác hại của sốt xuất huyết và cách phòng bệnh một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ.

Bài viết liên quan  Ô tô tải va chạm xe máy 2 người thương vong

Từ những tình huống gần gũi, truyện hướng dẫn cách phát hiện và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi như ly nước, lốp xe cũ, chậu cây… Đồng thời, truyện cũng khơi gợi tinh thần cộng đồng, lòng quan tâm giữa hàng xóm láng giềng – điều đang dần mai một trong xã hội hiện đại. Bộ truyện tranh sẽ được dịch ra nhiều ngôn ngữ và lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á, đồng thời có thể được đưa vào trường học để giúp trẻ em hình thành ý thức phòng tránh sốt xuất huyết ngay từ nhỏ.

BẢO VỆ GIA ĐÌNH BẰNG 5 BƯỚC ĐƠN GIẢN

Nếu bạn đã từng dạy con biết “cảm ơn” và “xin lỗi”, thì cũng đừng quên dạy con cách “đuổi muỗi”. Chỉ một thìa nước đọng cũng đủ để muỗi đẻ trứng. Hãy chủ động đổ bỏ nước đọng, theo dõi cảnh báo dịch từ cơ quan y tế, sử dụng kem chống muỗi và màn khi ngủ, đọc và chia sẻ truyện UAD cùng hàng xóm, đồng thời tích cực tham gia các đợt tổng vệ sinh khu phố. Phòng bệnh không chỉ là hành động cá nhân mà là trách nhiệm tập thể của cả cộng đồng .

Đừng để sự chủ quan khiến bạn phải trả giá. Hãy hành động ngay hôm nay, vì một cộng đồng khỏe mạnh và vững vàng hơn trong tương lai (3).

United Against Dengue là chương trình hợp tác giữa Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và Takeda Pharmaceuticals Ấn Độ và Đông Nam Á (I-SEA). Tìm hiểu thêm tại trang web United Against Dengue của IFRC – sẽ sớm ra mắt >.

Nguồn tham khảo:

1. Sốt xuất huyết: Đừng để “chuyện muỗi” làm lớn! Truy cập tại: laodong.vn

2. Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát trái mùa. Truy cập tại: vietnam.vn

3. Sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa, Bộ Y tế ‘nhắc’ xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tốt, hạn chế tử vong. Truy cập tại: moh.gov.vn

 

Nguồn: https://www.webtretho.com/f/cafe-webtretho/khong-chi-la-vet-muoi-dot-ganh-nang-kinh-te-tham-lang-cua-sot-xuat-huyet-voi-gia-dinh-viet