
Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng vừa tiếp nhận cấp cứu một bé trai 3 tháng tuổi trong tình trạng co giật nửa người, kèm theo biểu hiện trợn mắt, tím tái môi. Cơn co giật kéo dài khoảng 15 phút khiến bé rơi vào tình trạng nguy kịch.
Theo chia sẻ từ người nhà, trước khi nhập viện hai ngày, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, bú kém, lừ đừ nhưng không có tiền sử té ngã hay chấn thương. Bé được nằm nôi từ nhỏ và thường được người thân rung lắc mỗi khi quấy khóc dữ dội.
Các kết quả chụp CT sọ não ghi nhận tình trạng tụ dịch dưới màng cứng bên bán cầu não trái, có dấu hiệu xuất huyết trong ổ dịch, gây lệch đường giữa và giãn các não thất. Trẻ được cấp cứu tích cực, bao gồm hồi sức hô hấp, cắt cơn co giật, truyền máu và được phẫu thuật chọc hút dịch để giải áp.
Sau can thiệp, bé có dấu hiệu hồi phục, tỉnh táo hơn, bắt đầu bú trở lại và không còn co giật.
Hội chứng rung lắc là gì?
Hội chứng rung lắc, tên khoa học là Shaken Baby Syndrome (SBS), còn được biết đến dưới khái niệm chấn thương đầu do ngược đãi. Đây là một dạng tổn thương não nghiêm trọng, thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ sơ sinh đến 8 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ đến 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bị rung lắc mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng nguy hiểm này
Phần lớn các ca mắc SBS xuất phát từ những hành động tưởng chừng vô hại như lắc mạnh trẻ khi dỗ ngủ, đưa võng quá nhanh, bế xốc dậy đột ngột hay thậm chí là trò chơi tung hứng. Trẻ sơ sinh có phần đầu nặng hơn so với phần thân, cơ cổ còn yếu và não bộ còn mềm, dễ bị tổn thương nếu bị rung lắc quá mạnh, dẫn đến phù não và xuất huyết nội sọ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hội chứng rung lắc
Hội chứng này rất khó phát hiện sớm do không để lại nhiều dấu vết bên ngoài. Tuy nhiên, phụ huynh có thể nhận biết qua các biểu hiện như:
Trẻ lừ đừ, vật vã, mất tỉnh táo hoặc hôn mê
Co giật bất thường
Bỏ bú hoặc bú rất kém
Thở chậm hoặc không đều
Thóp phồng
Nôn mửa không rõ nguyên nhân
Xuất hiện vết bầm bất thường ở mặt, đầu hoặc thân mình
Các tổn thương não do rung lắc có thể để lại di chứng lâu dài như chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ, liệt vận động, thậm chí là tử vong.
Chẩn đoán và điều trị
Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu của hội chứng rung lắc, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng kết hợp các phương pháp cận lâm sàng như:
Chụp CT hoặc MRI để kiểm tra não bộ
Xét nghiệm máu loại trừ các bệnh lý khác
Chụp X-quang để kiểm tra gãy xương
Tùy theo mức độ tổn thương, trẻ có thể được điều trị bằng cách mổ giải áp, dẫn lưu dịch, dùng thuốc chống co giật hoặc truyền máu. Trường hợp có di chứng thần kinh sẽ cần phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý hoặc ngôn ngữ.
Hướng dẫn sơ cứu ban đầu tại nhà
Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần:
Gọi cấp cứu ngay lập tức, không tự ý vận chuyển nếu không có hướng dẫn chuyên môn
Không bế xốc trẻ hay cố gắng lắc gọi tỉnh
Không cho ăn, bú trong lúc đang có dấu hiệu rối loạn ý thức
Nếu trẻ ngừng thở, cần tiến hành hồi sức tim phổi (CPR)
Nếu nghi ngờ chấn thương cổ, phải cố định đầu và cổ, tránh xoay trở
Phòng ngừa hội chứng rung lắc: Nhận thức là chìa khóa
Hội chứng rung lắc hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu phụ huynh và người chăm sóc có đầy đủ kiến thức và ý thức cảnh giác. Một số biện pháp cơ bản gồm:
Tuyệt đối không rung, lắc trẻ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Tránh bế xốc, tung hứng hay chơi những trò chơi mạnh tay với trẻ nhỏ
Khi trẻ khóc, cần kiểm tra nguyên nhân thay vì dỗ bằng rung lắc
Người đang trong trạng thái căng thẳng, tức giận không nên tiếp xúc gần với trẻ
Nguồn: Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/doc-bao-gium-ban/canh-bao-hoi-chung-rung-lac-o-tre-nho-mot-hanh-dong-vo-y-co-the-de-lai-hau-qua-nang-ne